• Banner 1
  • Banner 2
  • Banner 3

Mô hình Bác sĩ gia đình: Sát dân, tiết kiệm, hiệu quả nhất

Mô hình Bác sĩ gia đình: Sát dân, tiết kiệm, hiệu quả nhất

GiadinhNet - “Khi mới thành lập, Phòng khám thực hành Y học gia đình (Bệnh viện quận 2, TPHCM) chỉ có 2 phòng khám, mỗi ngày chỉ có 20 - 30 lượt bệnh nhân. Đến năm 2014, đáp ứng sự tin cậy của người dân, Phòng khám đầu tư nâng thành 4 phòng khám. Số lượt người khám/điều trị trong năm 2014 theo mô hình Bác sĩ gia đình tăng đến 120 - 200 lượt/ngày. Trong năm 2015, con số này đã tăng 60 - 70%”. Đây là chia sẻ của BS Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện quận 2, nơi có mô hình Phòng khám thực hành Y học gia đình rất có hiệu quả.

Khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội (đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Chí Cường
Khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội (đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Chí Cường

Hút sự tin cậy của người dân

Theo BS Trần Văn Khanh, mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại Bệnh viện quận 2 sở dĩ nhanh chóng thu hút được người dân là nhờ vừa có ưu điểm chung, vừa có nét hay riêng. Ngoài nhiệm vụ thăm khám, điều trị, các chuyên gia còn đảm đương nhiệm vụ dài hơi hơn tại Bệnh viện quận 2 là đào tạo các BSGĐ thuộc 24 quận/huyện trên toàn địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành lân cận. Đây cũng là nơi đào tạo thực hành đối với các sinh viên đang theo học tại Trường ĐH Y Dược TPHCM. Hiện có 15 chuyên gia y tế trong lĩnh vực Y học gia đình chịu trách nhiệm vừa khám chữa bệnh, vừa đào tạo thực hành. Chính lợi thế nguồn nhân lực dồi dào và trình độ chuyên môn tốt cộng với sự đầu tư liên tục về cơ sở vật chất đã giúp mô hình BSGĐ tại đây nhanh chóng nhận được sự tin cậy của đông đảo người dân. “Hiện chúng tôi đang nỗ lực thiết lập kết nối với các trạm y tế trên địa bàn theo đúng chuẩn mô hình BSGĐ để nhanh chóng tối đa hóa lợi ích của người dân khi chọn lựa mô hình chăm sóc y tế ưu việt này”, BS Khanh bộc bạch.

Cũng tại Phòng khám, có gần 70% người dân đã sử dụng thẻ BHYT khi đến khám, chữa bệnh theo mô hình BSGĐ. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện địa phương này có 20/23 bệnh viện quận/huyện đã thành lập phòng khám BSGĐ thuộc khoa Khám bệnh với cơ cấu từ 1- 4 bàn khám, do các bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về Y học gia đình phụ trách.

Tại cấp xã/phường, toàn TPHCM hiện có 136/319 trạm y tế xã/phường thành lập 1 phòng khám BSGĐ với cơ cấu từ một bàn khám trở lên, do bác sĩ có chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Nói cách khác, TPHCM đã có 43% số trạm y tế đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự để thành lập phòng khám BSGĐ. Đa số các trạm y tế vừa triển khai khám, chữa bệnh theo mô hình BSGĐ, đồng thời vừa thực hiện các hoạt động y tế khác của trạm. Riêng khối y tế tư nhân tại TPHCM cũng có 2 Phòng khám BSGĐ thuộc phòng khám đa khoa tư nhân.

Còn tại Hà Nội, hiện có 76 phòng khám BSGĐ. Từ lâu, người dân rất quen thuộc với Trung tâm BSGĐ (thuộc Sở Y tế Hà Nội, đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân), BS Nguyễn Tá Dũng – Giám đốc trung tâm cho hay, mỗi ngày, có khoảng 70-100 lượt bệnh nhân tới khám, chưa kể số lượng bệnh nhân gọi bác sĩ tới nhà khám khoảng 40 ca/ngày. Ngoài ra, Trung tâm còn sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật; cấp cứu, khám chữa bệnh; tiêm chủng cố định; tư vấn về sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống nguy cơ…

“Nhiều người vẫn nhầm tưởng BSGĐ tức là bác sĩ tới tận nhà khám và lo ngại đây là hình thức khám của nhà giàu. Trên thực tế, tới tận nhà khám là một phần nhỏ nhưng quan trọng trong mô hình BSGĐ mà Trung tâm theo đuổi và quả thật, bệnh nhân phải đến phòng khám bác sĩ để được theo dõi lâu dài, toàn diện. BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài, bền vững với người bệnh”, BS Dũng chia sẻ.

Cũng theo BS Nguyễn Tá Dũng, trò chuyện, tư vấn tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc khám chữa bệnh của BSGĐ. Khi bác sĩ theo dõi xuyên suốt bệnh nhân sẽ có sự thân tình, thấu hiểu nhất định về hoàn cảnh, sức khỏe, dễ dàng chia sẻ thông tin, giúp có hướng chẩn đoán, điều trị. Qua thăm khám, chăm sóc bệnh nhân, BSGĐ còn hướng dẫn để người nhà, cộng đồng phòng tránh, điều trị đúng cách với bệnh tật. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian của bệnh nhân cũng như giảm bớt tình trạng chồng chéo, quá tải bệnh viện.

Nhân rộng mô hình trên toàn quốc

Hà Nội và TPHCM là hai trong số 6 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình BSGĐ, phòng khám BSGĐ, cùng với Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, sau hơn hai năm (từ năm 2013) thực hiện thí điểm Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình Phòng khám BSGĐ”, các tỉnh thành này đã thành lập được 240 phòng khám BSGĐ, gần 1.000 BSGĐ trong cả nước được đào tạo. Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2013 đến tháng 6/2015, các phòng khám BSGĐ trong cả nước đã thực hiện được 3.812 ca cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh 807.720 lượt, thực hiện 12.024 ca thủ thuật và chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà 3.094 ca và tư vấn 10.333 cuộc, phục hồi chức năng 87 ca.

Theo Bộ Y tế, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành chăm sóc từ đầu, toàn diện liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với người dân nhất. BSGĐ cũng là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Mô hình BSGĐ đã phát triển tại rất nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, theo PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, việc nhân rộng mô hình BSGĐ trong toàn quốc là cần thiết bởi lẽ mô hình này sát dân nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.

TS Trần Quý Tường - Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay, Bộ Y tế đang tập trung ưu tiên phát triển số một là loại hình trạm y tế xã/phường có lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ. Đó là do cả nước đang có hơn 10.000 trạm y tế xã/phường có sẵn nhân lực, cơ sở vật chất tương đối tốt để làm phòng khám BSGĐ. Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã với y học gia đình trùng nhau đến 80%, chỉ cần tăng cường năng lực chuyên môn, chỉ đạo các cán bộ chuyên môn này hoạt động ở trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình là lồng ghép được nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ.

Ngoài mô hình lồng ghép với trạm y tế, theo đại diện Bộ Y tế, mô hình thứ hai là phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập (đặt ở phòng mạch tư, phòng khám đa khoa tư nhân). Ba là phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước. Đến hết năm 2020, Bộ Y tế phấn đấu sẽ có ít nhất 80% các tỉnh/ thành triển khai phòng khám BSGĐ, đào tạo được ít nhất 9.000 bác sĩ định hướng y học gia đình.

V.Thu - Đ.Bá/Báo Gia đình & Xã hội