• Banner 1
  • Banner 2
  • Banner 3

Ngáy và Ngưng thở khi ngủ, nghiệp “Cầm cưa” bất đắc dĩ - P

Ngáy và Ngưng thở khi ngủ, nghiệp “Cầm cưa” bất đắc dĩ - Phần I

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Giấc ngủ chính là sự thiền định tốt nhất”. Thử tưởng tượng sau một ngày hoạt động trí não và cơ thể mệt nhoài, không gì tuyệt vời hơn được ngả lưng trên chiếc giường êm ái, thả hồn vào chiếc gối êm lút đầu và thư thái ru mình vào giấc mộng đẹp. Tuy vậy, không phải ai cũng có diễm phúc được ngủ “như một đứa trẻ”. Khi tuổi tác dần tăng, cùng với áp lực tâm lý trong cuộc sống, ta sẽ dễ dàng gặp những “kẻ phá bĩnh” giấc ngủ ngon như khó ngủ, mất ngủ, ác mộng và thậm chí tệ hơn là ngáy và ngưng thở khi ngủ.

“Kéo cưa Lừa xẻ” giấc giữa đêm

Dân gian ta hay ví von người ngủ ngáy như ông thợ xẻ lúc nửa đêm. Tưởng tượng bạn đang ru mình trong giấc mộng đẹp, bỗng la ú ớ, giật mình thức giấc, nhìn sang người bạn đời lúc này đang lo lắng nhìn mình trong bóng tối…chỉ bởi tiếng ngáy của bạn với tiếng la, làm họ thức giấc. Quả thật là một cảm giác rất đáng sợ và không kém phần phiền toái, đúng không?!

Về khoa học, ngáy là âm thanh ồn ào được tạo ra từ sự tắc nghẽn đường thở trong khi ngủ. Nếu bạn ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ từng cơn, hoảng loạn, ngộp thở khi thức dậy trong trạng thái tinh thần và cơ thể mệt mỏi, ngủ gật giữa ban ngày, khó tập trung, bạn đã bị hội chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Frustrated woman covering ears with pillow while man snoring in bed --- Image by © Ryan Stuart/moodboard/Corbis

Bỗng dưng bị bắt “Cầm cưa”

Không phải tự dưng mà ông trời bắt bạn “cầm cưa”, mà nguyên nhân là do bạn bị hẹp đường thở khi ngủ, đặc biệt là vùng hầu – họng – thanh quản. Với người bình thường, không khí hít vào từ mũi qua họng, thanh quản, khí quản tới phổi, và thở ra theo chiều ngược lại phải thông suốt. Do đó, bất kì nguyên nhân nào gây hẹp, cản trở sự lưu thông của dòng khí trên đường thở đều tạo nên tiếng ngáy. Nếu đường thở bị hẹp nhiều, gây triệu chứng ngáy to và cơn ngưng thở khi ngủ sẽ xuất hiện.

Những ứng viên cho nghiệp “Cầm cưa”

Gừng càng già càng cay, tuổi càng cao càng…ngáy.  Đó dường như là quy luật không thể tránh khỏi của thời gian. Theo thống kê ở độ tuổi 30, có 20% nam giới và 5% nữ giới bị ngủ ngáy. Đến tuối 60, con số này tăng lên 60% ở nam giới và 40% ở nữ giới. Lý do là khi lớn tuổi, niêm mạc, mô mềm vùng hầu, khẩu cái mềm thiếu săn chắc, bên cạnh thường bị viêm xoang, vẹo vách ngăn làm hẹp hốc mũi cũng gây ngủ ngáy. Tuy nhiên mức độ ngáy nhẹ và khi thay đổi tư thế sẽ hết ngáy.

Ngoài yếu tố tuổi tác, cân nặng cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn dễ bị ngáy và ngưng thở khi ngủ. Với người thừa cân (BMI trên 27), tỉ lệ ngủ ngáy tăng gấp 3 lần và nguy cơ mắc hội chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ chiếm từ 15 – 50% dân số thế giới, ở Singapore chiếm khoảng 15 % ở người lớn mắc bệnh.

Riêng với Hội chứng ngủ Ngáy và Ngưng thở khi ngủ (Sleep Apnea), những người gặp hội chứng này sẽ có triệu chứng ngủ ngáy kèm từng đợt ngưng thở dài hơn 10 giây. Nguy cơ mắc hội chứng này sẽ tăng 5% với những người thể trạng thừa cân (BMI trên 27), cổ ngắn và chu vi vòng cổ lớn hơn 37cm, bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, bệnh nhân có những vấn đề liên quan tới hẹp và tắc nghẽn đường hô hấp trên như vẹo vách ngăn, nghẹt mũi do cuốn mũi phì đại, amiđan quá phát, lưỡi và mô mềm đáy lưỡi quá dầy, giãn màn hầu, lưỡi gà dài, hẹp eo họng và một số bệnh lý dị dạng bất thường hàm mặt.

Xẻ gỗ giửa đêm – Không lời mà còn lỗ

Ngoài tiếng ồn từ những cơn “xẻ gỗ” lúc nửa đêm, dư âm của cơn ngáy vào sáng hôm sau còn nhiều hơn những phiền toái bạn đem lại cho mọi người. Không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như ngủ không sâu, thức dậy mệt mỏi, khô họng, nhức đầu, nặng đầu vùng gáy, làm việc không hiệu quả, khó tập trung, buồn ngủ và ngủ gật, ngáy và ngưng thở khi ngủ (Sleep Apnea) còn gây bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng áp lực tuần hoàn phổi dẫn đến suy tim, xơ phổi, tắc nghẽn phổi và suy hô hấp… Xa hơn, việc dồn sức “xẻ gỗ” giữa đêm còn làm giảm hoạt động và khả năng tình dục.

Đặc biệt ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, ngáy và ngưng thở khi ngủ (Sleep Apnea) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, gây lệch khớp cắn, hô hàm, mũi tẹt, … do phải thường xuyên há miệng để thở. Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ làm thiếu oxy não, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên, mơ hoảng, ảnh hưởng đến trí tuệ, tinh thần và một số bệnh lý rối loạn tâm lý khác…